Megamind
Nếu như trong năm nay, các tác phẩm điện ảnh người đóng được đánh giá là một sự xuống dốc bởi không có nhiều phim gây tiếng vang lớn, thì ngược lại, mảng phim hoạt hình 3-D lại có một năm sôi động và bùng nổ với hàng loạt “bom tấn” như Toy Story 3, How to Train Your Dragon, Shrek Forever After, Despicable Me và giờ đây là Megamind. Sở dĩ những bộ phim hoạt hình năm 2010 gây được tiếng vang lớn và doanh thu ngất ngưởng chính là bởi chất lượng nghệ thuật và giải trí của chúng đã đạt được những bước nhảy vọt đáng ghi nhận.
Sự thành công về mặt nội dung kịch bản lẫn hiệu ứng 3-D của những bộ phim hoạt hình năm 2010 đã không chỉ kéo các khán giả nhỏ tuổi tới cùng cha mẹ mà còn thu hút cả những khán giả là giới trẻ và những người yêu điện ảnh. Với mức giá vé cao hơn hẳn những bộ phim thông thường, nên các nhà sản xuất phim hoạt hình 3-D luôn phải cố gắng nhiều hơn để mang đến cho khán giả sự “sung sướng” khi thưởng thức, xứng đáng với giá vé đắt đỏ của mình. Có lẽ chính vì sự nỗ lực của nhà sản xuất từ khâu sáng tạo nhân vật cho tới bối cảnh, mà bộ phim Megamind đã có sức hút rất lớn đối với khán giả ngay cả khi chưa khởi chiếu. Với kết quả 85% số người được hỏi quyết định sẽ ra rạp để thưởng thức bộ phim này (theo Rotten Tomatoes), chưa kể tới những fans cuồng điện ảnh xem đi xem lại nhiều lần để thỏa mãn đôi mắt của mình, thì doanh thu của Megamind hứa hẹn sẽ không hề nhỏ.
Cũng như Despicable Me, một bộ phim kể về “kẻ xấu thực sự không xấu”, Megamind xây dựng hình ảnh một kẻ xấu được gửi đến Trái Đất khi hành tinh quê nhà bị hủy diệt. Đồng hành với Megamind (Will Ferrell) là người hùng Metroman (Brad Pitt), dường như được sinh ra để làm anh hùng cứu thành phố. Chàng Metroman có một cô bạn gái xinh đẹp, thông minh và dũng cảm làm nghề phóng viên truyền hình mang tên Roxie (Tina Fey).
Trên đường rơi xuống Trái Đất, có lẽ là định mệnh khi người hùng Metroman rơi vào một ngôi biệt thự lộng lẫy với cha mẹ là những người có học thức và giàu sang, Megamind lại rơi trúng vào “nhà tù chuyên giam giữ tội phạm siêu đẳng” và được nuôi dưỡng bởi các tù nhân cho đến khi lớn. Khi học chung một lớp với Metroman, chàng “kẻ xấu” Megamind gặp toàn chuyện xui xẻo khiến sau đó hắn tự nghĩ rằng “có lẽ mình sinh ra là để làm kẻ xấu”. Từ đó trở đi, như một điều tất yếu, Megamind thường “kiếm chuyện” với người hùng Metroman mặc dù chỉ toàn chuốc lấy thất bại. Người dân của thành phố Metro dường như chẳng còn xa lạ gì với cảnh như diễn kịch: các cuộc phá hoại của Megamind và những hành động ngăn chặn kẻ xấu của Metroman. Thế nhưng cuộc sống hoàn toàn không như phim, khi người hùng Metroman không còn nữa, Megamind bỗng trở thành một kẻ “thất nghiệp” vì chẳng có ai ngăn chặn. Khi mọi thứ quá dễ dàng, Megamind chẳng thiết phá hoại hay làm việc xấu nữa. Thế là hắn nảy ra ý tưởng chế tạo một anh hùng mang tên Tighten – với ADN và các tố chất của Metroman - để chuyên ngăn chặn hắn khi hắn làm việc xấu.
Ở những phút đầu của bộ phim, khán giả sẽ cảm thấy những tình tiết vô cùng quen thuộc mà có lẽ mình đã từng được gặp. Đó chính là vì bối cảnh và xuất thân của các nhân vật chính trong Megamind dường như nằm trong một sự sắp đặt đầy thú vị. Các nhà làm phim xây dựng câu chuyện của Megamind dựa theo các nhân vật anh hùng lớn, nói lên những nhân tố ảnh hưởng tới nhân cách của con người ngay từ khi còn bé và định hình ra con người về sau này. Hãng phim Dreamworks đã xây dựng thành công hình ảnh của những nhân vật chính trong phim, từ Megamind tới Metro Man, lẫn cả chú cá Minion, cũng như hoàn chỉnh tính cách của họ ở phần sau của bộ phim. Đặc biệt, nhân vật Megamind có thể coi là "kẻ ác xấu xa nhất nhưng cũng hài hước nhất" bởi cái phong cách và giọng nói "tưng tửng" rất đặc trưng.
Nội dung của Megamind có một hướng khai thác hoàn toàn mới mẻ và sáng tạo. Nhằm “chọc cười” khán giả, các nhà làm phim của Megamind đã xây dựng những tình tiết hài hước đầy bất ngờ, khác hẳn những lối mòn mà khán giả thưởng thấy ở bộ phim khác, như khi cô nàng Roxie mặc dù bị kẻ xấu Megamind bắt cóc nhưng lại chẳng sợ hãi chút nào, thậm chí cô còn trêu chọc khiến tên Megamind nhiều phen “phát hoảng”, đồng thời bộ phim còn dần xóa bỏ định kiến cho rằng kẻ xấu như Megamind sẽ chỉ toàn thua cuộc, chỉ có người hùng Metroman mới chiến thắng và có được cô gái xinh đẹp mà thôi... Cả bộ phim ngập tràn những cảnh hài hước độc đáo, đảm bảo sẽ khiến khán giả cười lăn lộn trong rạp.
Hiệu ứng hình ảnh cũng như 3-D của bộ phim đã được nhà sản xuất tận dụng tối đa nhằm đem lại những cảnh phim “mãn nhãn”. Khi sử dụng kính 3-D, Megamind đã đem lại cảm giác rất thực ở từng cảnh quay, nhất là những phân đoạn nhằm gây hiệu ứng thị giác cho khán giả. Suốt 95 phút phim, câu chuyện được kể với đầy tính hài hước và bất ngờ liên tiếp, khiến khán giả khó lòng rời mắt khỏi màn hình.
Nhạc phim cũng là một phần không thể không nhắc tới bởi sự tham gia của “hiện tượng” Hans Zimmer – người sáng tác nhạc phim hàng đầu Hollywood khi góp phần không nhỏ vào hàng trăm “bom tấn hạng nặng” như The Lion King, Gladiator, The Last Samurai, các phần phim Pirates of the Caribbean, The Dark Knight, Inception... Trong hai bộ phim hoạt hình Megamind cũng như Despicable Me, Hans Zimmer đã sử dụng âm nhạc vô cùng tinh tế và khéo léo nhằm đạt được hiệu quả cao nhất về âm thanh cho các bộ phim gia đình này. Đặc biệt, ca khúc Bad của "Ông vua nhạc Pop" Michael Jackson được sử dụng ở cuối phim cũng rất hợp với hoàn cảnh và tăng tính hài hước cho Megamind.
Là một bộ phim hoạt hình hài hước, Megamind đã làm rất tốt nhiệm vụ “chọc cười” khán giả cũng như thỏa mãn đôi mắt của người xem với hiệu ứng 3-D chất lượng. Megamind không chỉ kể một câu chuyện đầy tiếng cười, mà đằng sau đó lại ẩn chứa những thông điệp mang tính nhân văn lớn, là bài học không chỉ cho trẻ em mà ngay cả người lớn rằng: anh hùng không phải do bẩm sinh, mà là dần dần được hình thành theo năm tháng, nếu trong bản chất của con người vẫn có tính hướng thiện thì họ vẫn có thể trở thành người tốt.